Tôn giáo, tín ngưỡng Ngư_Lộc

Hơi thở làng nghề ngư nghiệp

Thờ cúng tổ tiên

Đến Ngư Lộc chúng ta thấy nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên, thôn nào cũng có nhà thờ họ[16]. Thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên phải lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày giỗ tết. Ở Ngư Lộc dù là nhà ngói hay nhà tranh, phần lớn đều làm theo kiểu tứ trụ, nhà thường có ba gian hoặc năm gian, bàn thờ tổ tiên đặt tại gian giữa nhà theo cửa chính, trên bàn thờ được bài trí cẩn thận, nhà nghèo thì cái án thu để mộc, nhà giàu thì có hương án, linh tọa, khánh thờ….sơn son thiếp vàng, cũng ở gian ấy, còn được trang trí thêm bức cửa võng bằng nỉ, câu đối, đại từ… Nhưng có một điểm chung là gia đình nào ở đây cũng chỉ thờ 5 vị đời: cặm, cụ, ông bà, cha mẹ, còn từ đời cặm trở về trước đều quy về nhà thờ tổ để thờ chung. Ngày giỗ, mùng 1 đầu tháng thì có xôi, thịt, bánh rán, vàng hương, trầu rượu, ngày rằm có hoa trái, trầu nước để cúng ông bà cha mẹ cầu ông bà cha mẹ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. Ngày tết (tháng giêng) có bánh chưng, giò thịt và cá dưa, bánh mứt các loại cúng tổ tiên[16].

Ở Ngư Lộc có trên 90 dòng họ, trong đó có tới 85 nhà thờ họ trên địa bàn của xã, còn lại nằm bên ngoài xã. So với các xã ven biển lân cận cũng như nhiều nơi khác thì ở đây có thể nói việc thờ họ rất được chú trọng, nếu như trước đây việc họp họ, giỗ tổ do điều kiện lịch sử cũng như điều kiện kinh tế trong một thời gian dài không được tổ chức ở các dòng họ. Trong những năm gần đây, hiện tượng họp họ giỗ tổ ở các nhà thờ họ xã Ngư Lộc lại diễn ra khá phổ biến, mỗi nhà thờ được tổ chức theo tế lễ, nghi thức được thống nhất trong họ mạc, ngày giỗ tổ ở nhà thờ họ là ngày lễ lớn nhất về truyền thống thờ cúng tổ tiên[16].

Bên cạnh những ngày lễ riêng của từng dòng họ khác nhau thì các dòng họ này cũng có những cái chung. Cứ đến chiều 30 tết hằng năm, các dòng họ đều có lễ vật mang tới nhà thờ họ để cúng tế, lễ vật được chuẩn bị từ nhà trọ của chi họ mang đến bao gồm: xôi, thịt, bánh chưng bánh dày, một măm hoa quả bánh kẹo, vàng hương, trầu rượu. Nhà trọ của chi họ được các thành viên trong dòng họ bình bầu phải là một gia đình trong năm không có tang, gia đình có kỷ cương, con cháu có nếp sống lành mạnh. Trong ba ngày tết lễ vật được thay mới hằng ngày, vàng mã trong ngày nào thì hóa luôn trong ngày đó. Người chủ thì lo toan mọi công việc là trưởng họ và ông chủ tế. Trong ba ngày con cháu trong họ phải tới thắp hương. Qua tết, ra giêng năm mới từ mùng 1 đến rằm tháng giêng các nhà thờ họ đều linh đình tổ chức lễ đầu năm. Cả Ngư Lộc trong không khí náo nức lễ hội trước một mùa "bề giã" mới. Trong phạm vi họ tộc bao giờ cũng có thịt, xôi ăn uống và lúc này vai trò của trưởng họ như một vị tiên tri trong làng. Nếu như ở các nơi khác ngày mùng 1 đầu tháng hoặc rằm các nhà thờ họ, có một chút lễ vật như hoa quả, trầu cau, rượu, nước yết cáo tổ tiên, do một người đại diện được cử chuyên làm việc này trong những ngày mùng một và rằm hằng tháng (ông Từ), thì ở Ngư Lộc bắt buộc sáng ngày mùng 1 đầu tháng mỗi gia đình con cháu trong dòng họ, phải có một người nam chủ gia đình mang lễ vật đến nhà thờ họ để thắp hương cúng tổ tiên ông bà, sau đó họp hội đồng gia tộc tổng kết và kiểm điểm lại các gia đình hoặc cá nhân trong tháng, vạch ra kế hoạch và định hướng trong tháng tiếp theo. Sau khi cúng lễ xong lộc thắp hương được hạ xuống chia cho con cháu[16].

Thờ đức Thánh Cả - Tứ vị Thánh Nương

Trong đời sống tâm linh của ngư dân Ngư Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa, Tứ vị Thánh Nương được dân làng tôn vinh là Đức Thánh Cả và được thờ cúng rất trang trọng tại đền thờ Diêm Phố. Tục thờ Tứ vị Thánh Nương chiếm vị trí cốt yếu trong hệ thống tín ngưỡng của ngư dân ở đây[16].

Dân Diêm Phố (Ngư Lộc) là dân chuyên ngư nghiệp, trước sự linh thiêng của Tứ vị Thánh Nương, năm 1927, các vị già cả trong làng đã vào đền Cờn xin chân nhang về thờ, cầu mong Tứ vị phù hộ cho dân làng Diêm Phố đi biển gặp nhiều may mắn, tôm cá đầy thuyền. Từ đó Tứ vị Thánh Nương trở thành vị thánh lớn nhất của làng. Hằng năm cứ đến ngày mùng 9 tháng 6 âm lịch dân làng lại tổ chức ngày giỗ Tứ vị nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến Tứ vị đã che chở và ban phước lành cho nhân dân trong vùng[16].

Thờ thần cá Ông

Cá Ông là cách gọi tôn kính của ngư dân đối với cá voi. Mọi cư dân đánh cá ở ven biển Việt Nam đều quý trọng cá voi. Họ tôn vinh cá voi là vị "thần hộ mệnh" nên xưng hô một cách kính cẩn như: Đông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Khơi, Ông Lộng, Nam Hải Đại Tương Quân, Cự Tộc Ngọc Long Tôn Thần… Đối với ngư dân lênh đênh giữa biển cả thì cá voi là chỗ dựa tinh thần quý giá, là nơi để gửi gắm niềm tin khi họ gặp sống to gió lớn[16].

Tại đền thờ Đức Ông (cá Ông) làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc) còn lưu giữ hai sắc phong của triều đình nhà Nguyễn vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và năm Khải Định thứ 9 (1924)[16].

Xung quanh việc thờ Đức Ông đã hình thành các tục lệ ngày rằm và mùng một hàng tháng các gia đình ngư dân có lễ nhỏ lên đền thắp hương. Khi ra khơi, có lễ trầu rượu, vàng hương làm lễ ngay trên thuyền, lễ xong không hóa vàng mà thả xuống biển[16].

Thờ Đức Vua Đảo Nẹ

Đảo Nẹ (hòn Nẹ hay Nẹ Sơn) cách bờ biển xã Ngư Lộc khoảng 5 km thuộc vùng biển Hậu Lộc. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép: Vào thời xa xưa ngoài cửa biển Y Bích thuộc huyện Hậu Lộc nổi lên một hòn đảo, có một ngọn cao vút, thuyền bè qua lại hay đi đánh bắt trông vào đấy mà biết được cửa biển Y Bích và bến đỗ của thuyền[16].

Vào năm 1445 các chức sắc trong làng đã cho xây dựng đền thờ Đức Vua Thông Thủy đảo Nẹ Sơn (được ghi chép lưu giữ tại đền thờ Đức vua). Kinh qua thời gian và những biến động của lịch sử, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, đảo Nẹ là tụ điểm đánh phá ác liệt. Ủy ban hành chính của xã Ngư Lộc lúc bấy giờ đã quyết định đưa kiệu và bát hương của Đức Vua vào Nghè Diêm Phố trong đất liền để thờ. Sau ngày hòa bình lặp lại bát hương và cỗ kiệu của Đức vua Đảo Nẹ lại được đưa ra đảo để thờ cho đến ngày nay[16].

Tương truyền rằng trên hòn đảo này có một cái hang khá sâu, một ngày kia có một người đi câu tôm phát hiện ra thi thể của một người đàn ông nằm chết không hiểu vì lý do gì, người câu tôm liền đưa vào hang để chôn cất. Ban đầu người dân đi đánh bắt qua đây có ghé vào thắp hương cho người sấu số và cầu khấn. Nhưng sau đó họ thấy được sự hiển linh kỳ diệu, kết quả đánh bắt được nhiều trong chuyến đi của họ luôn gặp điều may mắn. Từ đó dân làng Diêm Phố cho rằng đó là một vị thần trên trời được phái xuống giúp dân, ngay lập tức các vị chức sắc trong làng cho lập một điện thờ ngay cửa hang. Thời gian trôi qua hòn Nẹ Sơn vẫn sừng sững qua bao phong ba bão táp, trong tâm thức của người dân nơi đây vị thần đảo Nẹ Sơn là vị thần tối linh (linh thiêng) cai quản các cửa biển. Bởi vậy trong những dịp lễ tết, đầu xuân năm mới chuẩn bị cho một mùa bể giã mới ngư dân đều sắm chút lễ vật ra đảo thắp hương trình báo với thần cầu mong sự che trở trong đời sống nghề nghiệp[16].

Với sức mạnh và tầm quan trọng của mình trong việc bảo quốc hộ dân, thần Nẹ Sơn cũng được triều Nguyễn phong sắc Thượng Đẳng Thần. Không những vậy các đạo dụ còn ghi chép, vào ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (năm 1971), làng Diêm Phố gặp một trận hạn lớn, mấy tháng liền không mưa, con người lẫn gia súc không còn đủ sức để gượng dậy, Làng đã lập đàn tế cầu mưa nhưng không linh hiệu. Trước khó khăn đó, các vị chức sắc trong làng quyết định thành lập một ban ra đảo Nẹ rước kiệu của thần vào, thì kì lạ khi vào đến đất liền như có một sức mạnh thần bí cỗ kiệu của thần bỗng nhiên quay tròn, các vị bô lão trong làng thấy có sự linh ứng của thần liền cho tổ chức lễ cầu, ngay lập tức trời đổ mưa không ngớt nhiều ngày liền, vạn vật cây cối được tưới nước hồi sinh trở lại, dân làng vui mừng khôn xiết. Ngay sau đó các vị chức sắc đã tâu việc này tới triều đình và được triều đình nhà Nguyễn tiếp tục phong sắc cho thần Đảo Nẹ là Thượng thượng Đẳng Thần (dân làng thường gọi là Đức Vua Thông Thủy) tức là vị thần tối cao của ngư dân. Bên cạnh sắc phong Thượng thượng Đẳng Thần, đức vua còn được phong nhiều đạo sắc khác như: Bát Hải Long Vương, Hà Bá Linh Quan, Đối Sát Cửa Giang… [41, tr.25-34]. Ngày giỗ của Đức Vua được tổ chức khá long trọng vào ngày 10 tháng 8 âm lịch hằng năm. Vào ngày giỗ của ngài, trong đất liền thường tổ chức một đoàn thuyền rước lễ ra đảo để cúng lễ cầu cho quốc thái dân an, cầu cho ngư dân "Đánh khợi gặp đống, Đánh lộng gặp tía" ra khơi gặp nhiều may mắn tránh mọi rủi ro tai ương của biển cả[16].

Vào dịp lễ hội Cầu Ngư, việc rước kiệu Đức Vua vào đất liền là một việc không thể thiếu trong lễ rước kiệu,cỗ kiệu của Đức Vua bao giờ cũng được rước đi trước đám rước, như biểu trưng của quyền tối cao trong hệ thống tâm linh của ngư dân xã Ngư Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa. Tuy nhiên một điều hết sức đặc biệt và khó giải thích đó là: Kiệu Đức vua mỗi lần được rước đều hết sức đặc biệt và khó giải thích đó là: Kiệu Đức vua mỗi lần được rước đều có hiện tượng kiệu quay rất kỳ lạ. Rước trên bờ thì kiệu quay tròn hoặc sang phải sang trái làm cho những người khiêng kiệu không thể đi được. Trên biển khi rước kiệu từ đảo Nẹ vào bờ để làm lễ, chiếc thuyền trở kiệu cũng có hiện tượng quay tròn trên mặt biển làm cho đám rước phải dùng những chiếc thuyền khác kèm, áp thuyền rước kiện vào bờ. Nếu không phải là người được tai nghe mắt thấy thì tôi khó mà tin nổi lại có điều kì diệu này[16].

Thờ vong hồn 344 ngư dân

Xã Ngư Lộc nằm quay mặt ra phía biển. Đất chật người đông nhà ở chen chúc, không có đất canh tác nông nghiệp như các xã ven biển khác trong Huyện. Bởi vậy người dân nơi đây sống không thể thiếu biển. Nghề đi biển là nghề chính của họ "ngừng chèo treo niêu". Khi biển lặng trời êm, đại dương là nguồn sống, là niềm vui và hạnh phúc của họ. Nhưng khi biển giận dữ, giông bão nổi lên, biển là nỗi sợ hãi chết chóc, vùi dập đau thương, tan nát. Sống bên sự dịu hiền và hung dữ của biển cả, không biết đã bao lần ngư dân nếm trải hạnh phúc từ vị tanh của biển cũng như đau thương từ vị đắng chát của biển[16].

Đã là người con của Ngư Lộc không một ai có thể quên được nỗi sợ hãi kinh hoàng trong cơn bão năm 1931 (tức năm Tân Mùi), một trận bão lớn đột ngột và hoàn toàn bất ngờ đã phá hủy và nhất chìm hầu như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi của ngư dân xã Ngư Lộc, trận bão đã cướp đi 344 sinh mạng vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu và nhiều người khác bị thương. Theo lời kể của những vị cao niên trong làng thì Ngư Lộc lúc đó bị bao phủ bởi một màu tang tóc, cả làng trắng khăn tang, cả làng góa bụa, vợ mất chồng, con mất cha, anh mất em, hầu như nhà nào cũng có người thân xấu số. Nước mắt, nước mưa hòa tan trong nước biển mặn mòi khi cơn bão đi qua. Để tưởng nhớ những người con của Diêm Phố không may bị bão cuốn, bà con dân xã Ngư Lộc đã lập miếu thờ chung 344 người. Miếu thờ nằm trong khu nghề Diêm Phố. Trong Miếu có bát hương, bài vị, mô hình bè mảng trên đặt một số ngư cụ, bên trái miếu có mô hình long châu cỡ nhỏ được đặt trong tủ kính). Hằng năm vào ngày 18 tháng 8 âm lịch toàn bộ ngư dân xã tổ chức ngày giỗ chung cho 344 ngư dân lâm nạn, để tưởng nhớ về sự mất mát đau thương này[16].

Từ ngày 17-18-19 tháng 8 âm lịch cả làng không đi làm, gia đình nào có thân nhân mất thì đều chuẩn bị lễ vật cỗ bàn cho ngày giỗ, sau đó họ mang một phần lễ vật vàng hương bánh trái hoa quả và đặc biệt trong đó có cả mô hình thuyền mảng bằng giấy và một số ngư cụ. Sau khi cháy hết tuần hương những đồ này được mang ra ngoài biển để hóa cùng với vàng mã. Điều đó nói lên rằng trong sâu thẳm của những người đang sống họ tin rằng ở thế giới bên kia người thân của họ cũng đang sinh sống và họ cũng cần có ngư cụ để làm ăn. Sau khi lễ trên nghè xong ai về nhà nấy và tổ chức giỗ tại nhà, có gia đình còn mời cả thầy cúng đến nhà làm lễ. Hàng tháng vào các ngày mùng 1 hoặc ngày rằm dân làng trong xã đều lên đền thắp hương cho các vị thần, phật và vong hồn của 344 người dân, mong cầu sự phù hộ bình an và may mắn cho dân làng[16].

Thờ Phật

Đạo Phật xuất hiện ở Ngư Lộc từ rất sớm nhưng đến thời Lý, Trần mới được phát triển mạnh. Tín ngưỡng Phật giáo ở đây là tín ngưỡng được giải quyết bằng cách lập chùa chiền, dựng bia tạc tượng[16].

Chùa được xây dựng trong cụm khu di tích Nghè Diêm Phố, tuy nhiên chùa có một khuôn viên riêng biệt phù hợp với tính chất của chùa. Cùng với tín ngưỡng sùng bái thờ thánh thần, cư dân Ngư Lộc cũng rất chú trọng việc thờ Phật, đặc biệt là các cụ già trong xã. Không một ngày rằm, hay mùng 1 nào mà dân trong xã không lên chùa lễ phật, người biết kinh thì tụng kinh (các cụ), người không biết kinh thì khan nôm cầu Phật ban cho họ sức khỏe, sự may mắn, đặc biệt là may mắn trong nghề nghiệp đi biển[16].

Do quy mô nhỏ, trong chùa không có sư sãi, chỉ có một ông từ chuyên trông coi chùa. Ngày lễ Phật lớn trong năm ở đây là vào ngày mùng 8-4 âm lịch là ngày Phật đảm. Trong làng có một pháp sư được làng tín nhiệm đứng ra tiến hành các nghi lễ trong ngày này.Thời gian tiến hành trong đêm từ 22 giờ đến 24 giờ. Lễ vật được chuẩn bị bao gồm: chuối, oản, cháo đỗ, trứng gà sống, xôi, thịt sống, thịt chín, trầu rượu, vàng hương, hoa quả… Chuối, oản, vàng hương đặt tại bàn thờ tam bảo Phật (cung trong cùng), phía bên ngoài thờ Hội đồng: Long Thần Thổ địa, Tam tà bộ hạ, lễ vật là xôi và thịt chín, ngoài cùng thờ Tả văn hữu võ, Bạch sả đại tướng, Ngũ hổ đại thần. Lễ vật cúng là một mâm cháo đỗ, một quả trứng gà, một miếng thịt sống, gạo, muối[16].

Đúng 22 giờ, pháp sư trong trang phục áo cà sa, đội mũ Phật, đi tất trắng, bắt đầu khai chuông tại cửa tam quan, sau đó vào chùa tụng kinh niệm phật tại bàn thờ Phật. Sau khi cúng Phật song, pháp sư ra hai bàn thờ ngoài cúng hạ ban cho đến 24 giờ thì bắt đầu làm lễ tắm cho Phật. Nước tắm cho Phật được nấu từ ngũ vị hương được hai vị chủ tế đổ ra thau, khăn tắm phải là khăn mới, sau đó Pháp sư tiến hành tắm cho Phật. Tắm xong, tượng Phật được đặt vào vị trí ban đầu, lúc này trầu rượu được thay mới, Pháp sư vào cúng khai khuông yên vị, lúc này làng mới vào tế, hai ông chủ lễ và hai ông xông xướng hai bên, cứ như vậy đến sáng thì buổi lễ kết thúc[16].

Liên quan